Nghệ thuật chế biến món chay Tây Ninh vừa được Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Việc công nhận này sẽ có ý nghĩa lớn trong việc hỗ trợ giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa thuần chay bản địa.
Chúng tôi ghé nhà hàng chay Phước Lạc Viên (đường Điện Biên Phủ, TP Tây Ninh) vào một chiều muộn giữa tháng 12 năm 2021. Thời điểm đó, số ca mắc Covid-19 tại Tây Ninh đang tăng, người dân hạn chế đến những nơi công cộng, tập trung đông người. Vì vậy, trong khuôn viên nhà hàng rộng hơn 2ha chỉ có khoảng 3-4 nhóm khách đang dùng bữa.
Mở nhà hàng để giữ gìn, quảng bá ẩm thực chay
Bữa ăn hôm đó của chúng tôi rất nhiều món, bao gồm gỏi trái điều, bánh hỏi lang liêu (bánh hỏi và "heo quay" chay), tàu hũ ky cuộn mộc nhỉ, thiên nhiên hội tụ (rong biển cuộn nấm kim châm chiên giòn) và lẩu chua cay. Tất cả các món ăn đều được trình bày đẹp mắt, mùi vị thơm ngon, hợp khẩu vị nên loáng cái, món nào cũng hết sạch.
Nhìn sang những bàn xung quanh, ai nấy đều vui vẻ dùng bữa, có vẻ rất hài lòng. Cô Nguyễn An Nhiên, người lớn tuổi nhất trong nhóm khách gia đình gồm 3 thế hệ vốn là khách "ruột" của quán, cho biết nhà có mấy chị em ăn chay trường nên thường đến nhà hàng dùng bữa. "Tôi đã dùng nhiều món ở đây, món nào cũng ngon mà giá rất bình dân, chỉ 35.000 đồng – 45.000 đồng/món thường và 55.000 đồng/món lẩu 4 người ăn. Mấy cháu nhỏ trong nhà rất thích cơm chiên nên lần nào đến ăn cũng phải có món đó" – cô An Nhiên vừa nói vừa chỉ tay về phía dĩa cơm đã vơi hơn phân nửa trên bàn.
Gia đình cô Nguyễn An Nhiên quây quần thưởng thức tiệc chay tại Phước Lạc Duyên |
Nhà hàng chay Phước Lạc Duyên mở cửa từ trước đợt dịch Covid-19 đầu tiên năm 2020 với tên gọi Phước Lạc Viên, mới đổi thành Phước Lạc Duyên. Anh Ngô Trần Ngọc Quốc, chủ nhà hàng, đã ấp ủ dự án về ẩm thực chay Tây Ninh từ 10 năm trước, sau 1 lần hướng dẫn đoàn khách nước ngoài đến nghiên cứu về Tây Ninh. "Họ muốn tìm hiểu về ẩm thực Tây Ninh, tôi thết đãi họ một bữa tiệc chay với những món dân dã, quen thuộc, không ngờ họ rất thích thú, đề nghị những bữa ăn tiếp theo chuyển hẵn sang món chay" – anh Quốc kể.
Có nhà hàng rồi, anh Quốc từng bước hiện thực hoá kế hoạch tìm kiếm, lưu giữ các món chay bản địa của xứ mình. Gần 2 năm trời, mỗi tuần Phước Lạc Duyên 2 lần mời các nghệ nhân nấu món chay trong tỉnh đến nhà hàng dùng bữa và góp ý, chia sẻ công thức chế biến món chay. Cứ như vậy, "bộ sưu tập" món chay của quán ngày càng dày lên, đến nay đã gần 300 món.
Anh Quốc muốn sưu tầm, phát triển khoảng 500 món chay bản địa để phục vụ cho việc lan toả, quảng bá ẩm thực chay bản địa Tây Ninh. Đặc biệt, đây phải là những món ăn thuần chay, chỉ sử dụng nguyên liệu từ rau quả quả, nấm, đậu… chứ không dùng thực phẩm chay công nghiệp.
Thực khách thưởng thức món chay trong không gian thoáng đãng, xanh mát của nhà hàng |
Đưa ẩm thực chay vào bữa ăn chính trong tour khám phá Tây Ninh
Vậy mục đích của anh là kinh doanh món chay hay quảng bá ẩm thực chay Tây Ninh? – tôi hỏi. "Tôi sinh ra và lớn lên tại Tây Ninh, từ nhỏ đã theo người lớn ăn chay, nấu món chay nên có tình cảm lớn đối với văn hoá ẩm thực chay. Tôi muốn xây dựng thương hiệu cho ẩm thực chay Tây Ninh, đưa Tây Ninh thành thủ phủ của món chay để du khách đến Tây Ninh là tìm thưởng thức món chay, giống như đến Huế là phải trải nghiệm ẩm thực cung đình vậy" – anh Quốc khẳng định.
Cũng từ mong muốn này, anh Quốc xác định phải có lãi từ việc kinh doanh nhà hàng chay để truyền cảm hứng cho nhiều doanh nhân khác cùng tham gia mở quán. "Hiện trong giai đoạn dịch bệnh, khách vắng nên với giá bán hiện tại, chúng tôi đang "nấu cơm giùm" khách nhưng nếu Covid-19 được kiểm soát tốt, kinh tế - du lịch phục hồi, nhà hàng đông khách thì chắc chắn sẽ có lãi" – anh Quốc tự tin.
Anh Ngô Trần Ngọc Quốc say sưa nói về tâm huyết góp phần xây dựng Tây Ninh trở thành thủ phủ món chay Nam Bộ |
Nhờ vị trí đắc địa, nằm trên trục tam giác nối giữa núi bà Đen và thánh thất Cao Đài, với sức chứa gần 1.000 khách, nhà hàng đã liên kết với 10 hãng lữ hành lớn gồm Viettravel, Bến Thành Tourist, Saigon Tourist, Lửa Việt… tái hiện ẩm thực chay đặc sắc của người Tây Ninh, phục vụ bữa ăn cho tour hành hương 1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm đến Tây Ninh. Mỗi bữa ăn trị giá 100.000 đồng phục vụ du khách bao gồm 12 món, bữa ăn 150.000 đồng sẽ phục vụ 18 món, mục đích để du khách thưởng thức, trải nghiệm ẩm thực chay Tây Ninh trọn vẹn nhất có thể.
Không chỉ tập trung cho nhà hàng của mình, với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tây Ninh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, anh Quốc còn tích cực phối hợp cùng Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh lên kế hoạch cho các dự án món chay vỉa hè, ẩm thực chay đường phố để khôi phục dần sự phong phú, đa dạng của không gian ẩm thực chay.
Mới đây, nghệ thuật chế biến món ăn chay huyện Gò Dầu, Tân Châu, Dương Minh Châu, TX Hoà Thành, Trảng Bàng và TP Tây Ninh đã được Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Việc công nhận này sẽ có ý nghĩa lớn trong việc hỗ trợ giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa thuần chay bản địa."Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà hàng, quán ăn phục vụ món chay, ẩm thực chay được quảng bá rộng rãi để du khách tới Tây Ninh nhớ luôn nhớ đến món chay như nhớ đến bánh tráng phơi sương, bánh tráng trộn, muối ớt…" – anh Quốc lạc quan.
Một số món chay tại nhà hàng Phước Lạc Duyên:
Nguồn: Báo Người Lao Động